Đã dưỡng da thì chúng mình hầu như ai cũng được nghe nói đến kem chống nắng. Đặc biệt khi điều trị các bệnh lý về da như mụn, nám; các bác sỹ đều khuyên phải dùng kem chống nắng hàng ngày. Vậy chúng ta nên chọn kem chống nắng như thế nào?
Dựa theo cơ chế hoạt động, có 2 loại kem chống nắng phổ biến hiện nay:
- Kem chống nắng vật lý
- Kem chống nắng hóa học
Hai loại kem chống nắng này có gì khác nhau? Kem chống nắng vật lý tốt hơn hay kem chống nắng hóa học tốt hơn? Cùng the Beauty of Jones phân biệt kem chống nắng hóa học và kem chống nắng vật lý nhé.
Trong bài này, the Beauty of Jones sẽ tạm thời không nói đến các chỉ số SPF hay PA, mà chỉ so sánh sự khác nhau giữa giữa kem chống nắng vật lý và hóa học thôi nhé. The Beauty of Jones sẽ có 1 bài chi tiết về các chỉ số này sau nha.
1. CƠ CHẾ HOẠT ĐỘNG
Kem chống nắng VẬT LÝ sẽ tạo thành lớp màng vật lý trên da giúp ‘cản’ ánh sáng mặt trời. Kem chống nắng vật lý như 1 chiếc ô, phản chiếu lại tia UV nhờ vào các màng lọc vô cơ. Đây cũng là lý do tại sao kem chống nắng vật lý còn được gọi là kem chống nắng vô cơ (mineral sunscreen).
Trong khi đó, kem chống nắng HÓA HỌC sẽ ‘hấp thụ’ các tia UV để bảo vệ da nhờ sự có mặt của các màng lọc UV hóa học. Các thành phần sẽ chuyển đổi tia UV thành nhiệt và giải phóng chúng khỏi da. Kem chống nắng hóa học còn được gọi là kem chống nắng hữu cơ (organic sunscreen) do các thành phần carbon có trong kem.
2. THÀNH PHẦN
?Kem chống nắng VẬT LÝ sẽ có chứa:
• Zinc oxide, hoặc
• Titanium dioxide
• Hoặc cả 2
▶︎2 màng lọc này sẽ tạo thành lớp màng vật lý trên nên sẽ có thể gây trắng da – nâng tông khi sử dụng. Cả 2 thành phần này được đánh giá là không-gây-mụn (non-comedogenic) và được FDA công nhận an toàn cho cả em bé, mẹ bầu, da nhạy cảm, da bệnh lý như chàm, rosacea.
?Trong khi đó kem chống nắng HÓA HỌC sử dụng màng lọc đa dạng hơn như avobenzone,oxybenzone, octisalate, homosalate, octinoxate… Một số màng lọc hóa học đang bị nghi ngờ có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của hormone và tế bào, cả nguy cơ gây ung thư.
Các thành phần gây nguy hiểm trong kem chống nắng hóa học: Para-aminobenzoic acid (PABA) và trolamine salicylate. FDA đã đánh 2 thành phần này là KHÔNG AN TOÀN.
3. KHẢ NĂNG CHỐNG NẮNG
Nhờ zinc oxide và titanium dioxide, Kem chống nắng vật lý có khả năng bảo vệ da khỏi cả tia UVA, UVB, và cả bức xạ mặt trời.
Các màng lọc hóa học chỉ hấp thụ khoảng ngắn các tia bức xạ. Do đó, để kem chống nắng hóa học có đủ khả năng bảo vệ da, các màng lọc hóa học thường được kết hợp với nhau. Tuy nhiên, ngoài việc một số màng lọc có khả năng gây kích ứng cao, hoạt động chuyển hóa tia UV thành nhiệt trên tầng biểu bì của da cũng gây kích ứng cho các làn da nhạy cảm và cả các phản ứng mang tính hormone trong cơ thể.
Được tìm thấy trong hơn 60% kem chống nắng hóa học, Oxybenzone được cho là chất gây rối loạn nội tiết cho cả con người và san hô. Khi được giải phóng vào môi trường nước, oxybenzone có thể làm mất màu và giết chết san hô, ảnh hưởng nặng nề lên hệ sinh thái của trái đất.
Do đó, hãy chắc chắn kem chống nắng các nàng đang dùng không chứa oxybenzone nhé.
4. CÁCH SỬ DỤNG
Để kem chống nắng HÓA HỌC phát huy hiệu quả thì các nàng cần phải thoa trước khi ra nắng 20 phút. Trong khi đó, kem chống nắng VẬT LÝ thì hiệu quả ngay lập tức trên da mà không phải đợi.
5. TEXTURE
Titanium dioxide và zinc oxide thường có màu trắng, kết cấu dày và hơi bột (chalky). Điều này khiến kem chống nắng vật lý khó tán trên da, thường nâng tông và để lại lớp màng trắng trên da. Trong khi đó, kem chống nắng hóa học dễ tán trên da hơn, không để lại màu hay vệt trắng trên da.
Nhưng hiện nay, các hãng mỹ phẩm cũng đã cải tiến công thức hạn chế tình trạng trắng bệt da (white-cast) của kem chống nắng vật lý để đem đến cho người dùng trải nghiệm tốt nhất.
6. KHẢ NĂNG GÂY BÍ DA
Nhiều ý kiến cho rằng, kem chống nắng vật lý có khả năng gây bí da cao hơn. Vì zinc oxide & titanium dioxide sẽ tạo thành lớp màng vật lý trên da. Chưa kể đến để bảo vệ da toàn diện, các nàng phải thoa dày và đủ. Trong khi kem chống nắng hóa học thì mỏng và thoáng hơn.
Quan điểm này không đúng các nàng nha. Màng lọc hóa học cũng có khả năng cao gây kích ứng trên da. Nếu như không rõ mình dị ứng với màng lọc nào các nàng có thể test trước một vùng nhỏ trên da nhé.
Ngoài ra, các nàng có thể bị nổi mụn bởi các thành phần dưỡng ẩm khác trong sản phẩm chứ không phải do loại kem chống nắng.
Về lượng kem chống nắng, thì khi dùng kem chống nắng hóa học hay vật lý các nàng đều phải dùng lượng như nhau là 1/3 – ½ muỗng trà (teaspoon) để che phủ đủ cho toàn mặt và cổ.
7. CÁCH CHỌN KEM CHỐNG NẮNG CHO TỪNG LOẠI DA
▶︎Nếu các nàng đang mang thai và cho con bú, thì kem chống nắng VẬT LÝ là lựa chọn tối ưu nhất để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ & bé.
▶︎Nếu các nàng có làn da nhạy cảm, có tiền sử dị ứng mỹ phẩm, da từng bị chàm, rosacea,…thì hãy nghiêng về lựa chọn truyền thống kem chống nắng VẬT LÝ để hạn chế tối đa tổn thương trên da nhé.
▶︎Nếu các nàng có làn da mụn, thì hãy chọn loại kem chống nắng không chứa dầu (oil-free), không chứa hương liệu (fragrance-free), không chất bảo quản (preservative-free).
Hy vọng chia sẻ của The Beauty of Jones sẽ giúp các nàng tìm được kem chống nắng “nửa kia” phù hợp với da mình nhé. Theo dõi blog của the Beauty of Jones hàng tuần để cập nhật các kiến thức mới nhất về chăm sóc da các nàng nhé.
??? ?????? ?? ??????
______
*Nguồn tham khảo
– Cnet
– the Klog
– Byrdie