Da bạn có phải là da nhạy cảm

Có bao giờ chỉ vì vài sợi tóc mai chĩa vào cổ mà vùng cổ bạn bị ửng đỏ từng mảng và ngứa chưa? Có bao giờ chạy ngoài đường về, ngày hôm đó bạn tắm muộn hơn một chút là da bạn bị nổi đỏ, hằn lên các vết ngứa chưa?… Và chắc chắn khi đi nắng hoặc chỉ cần đi ở ngoài về mặt bạn sẽ đỏ bừng, kèm theo ngứa rát.

Jones đã từng rất mặc cảm về làn da của mình và mọi người nghĩ Jones là con nhỏ “tiểu thư” khi làm mọi cách giúp cơ thể mình không bị dị ứng như mặc áo khoác, đeo khẩu trang nhiều lớp, quấn khăn choàng cổ,… đều bị xem là thái quá. Đôi lúc Jones cảm thấy mình thật thiệt thòi khi không thể chơi đùa ngoài trời, ăn uống thả ga như đám bạn thân. Các bạn hãy cùng Jones tìm hiểu về làn da nhạy cảm bạn nhé.

Chưa có một định nghĩa chung cho tất cả làn da nhạy cả; nhưng có thể khái quát các biểu hiện của làn da này có thể dễ thấy là: tình trạng mẫn đỏ, căng rát, cảm giác châm chích, sưng tấy hoặc thường xuyên nổi mụn.

Làn da của người bình thường luôn có một lớp màng bảo vệ; hãy tưởng tượng lớp màng bảo vệ ấy như một mái nhà, gồm nhiều các lá ngói được sắp xếp với nhau một cách trật tự, nhờ thế giúp bảo vệ ngôi nhà khỏi các tác nhân bên ngoài và bảo tồn mọi thứ quý giá bên trong ngôi nhà ấy.

Nhưng làn da nhạy cảm thì không có được chức năng này hoặc bị suy giảm đi nhiều. Lúc này mái nhà của chúng ta, có nơi thì bị mất đi các lá ngói, có nơi thì các lá ngói nằm ngổn ngang không theo trật tự để có thể làm chức năng che chở nữa. Quay trở lại với cơ thể, da là một cơ quan sống được thiết kế để tiếp nhận và phản ứng với các ảnh hưởng bên ngoài. Các dây thần kinh nằm ngay bên dưới hàng rào da phát hiện mọi thứ tiếp xúc với da nhưng thường không có phản ứng ngay tức thì. Cho đến một lúc hàng rào da bị suy yếu, lúc này mọi tác nhân môi trường đều có thể ảnh hưởng đến da.

Cơ thể chúng ta là một kết cấu tiên tiến bậc nhất và làm việc như một cỗ máy tự động, nó có khả năng tự phòng vệ. Ví dụ dễ nhìn thấy nhất là khi nóng da đổ mồ hôi để làm mát, khi lạnh bạn “ xù lông” lên và lỗ chân lông co lại để giữ nhiệt. Khi bị ảnh hưởng bởi môi trường như khói bụi, thời tiết, tiếp xúc hoá chất, các dây thần kinh nằm ngay dưới bề mặt da tiếp nhận các tác động xấu này ngay khi nó tiếp xúc và gửi các tín hiệu đến hệ thần kinh trung ương. Hệ thần kinh trung ương sau khi phát hiện những “kẻ đột nhập” lại ra lệnh cho da phản ứng lại. Lúc này các dấu hiệu mẫn đỏ, ngứa, châm chít nhắc bạn biết da đang dị ứng và không phù hợp với môi trường hoặc cái mà bạn đang cố ép da tiếp nhận. Lúc này, bạn phải chủ động tránh các tác nhân đó để da không phản ứng nữa.

Sống chung với da nhạy cảm thật sự không khó chịu như bạn nghĩ đâu. Mỗi người bị nhạy nhạy cảm với các tác nhân khác nhau, nhưng có những cách để bạn phát hiện ra đâu là nguyên nhân thật sự và cách phòng chống. Hẹn bạn lần sau tôi sẽ chia sẻ tiếp nhé!

Jones Le.

One thought on “Da bạn có phải là da nhạy cảm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *